1 Về cây Bằng lăng tím
Tên thường gọi: Cây bằng lăng.
Tên khoa học: Lagerstroemia speciosa.
Bằng lăng nước được gọi tên là Banabá theo tiếng Tagalog (dân tộc lớn nhất Philippines) là loài cây đặc thù của Ấn Độ. Loài này có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Á, hiện có nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ và các vùng nhiệt đới khác. Thân cây thẳng và khá nhẵn nhụi. Lá màu xanh lục, dài từ 8 đến 15 cm, rộng từ 3 đến 7 cm, hình oval hoặc elip, rụng theo mùa. Hoa màu tím hoặc tím nhạt, mọc thành chùm dài từ 20 đến 40 cm, thường thấy vào giữa mùa hè. Mỗi bông hoa có 6 cánh, mỗi cánh dài chừng 2 đến 3,5 cm. Quả lúc tươi màu tím nhạt pha xanh lục, mềm. Quả già có đường kính 1,5 đến 2 cm, khô trên cây.
Thân cây bằng lăng nhẵn, có màu sáng, đường kính cây trưởng thành khoảng 20cm-30cm, chiều cao khoảng 15-20 mét. Tuy nhiên, khi trồng trong các khu đô thị thì chúng ta nên hạn chế và cắt tỉa cành lớn, đảm bảo an toàn cho người đi đường, thông thường chiều cao 8-15 mét.
Rễ bằng lăng thuộc dạng rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất. Bằng lăng có đặc tính rất hay đó là bộ rễ ghim rất chặt vào lòng đất, nhờ đó, các cơn bão lớn đi qua thì chúng ta cũng hiếm khi gặp cây bằng lăng bị ngã, đổ.
2 Ứng Dụng
Bằng lăng nước là loài bằng lăng hoa tím ở vùng nhiệt đới đã được dùng trong y học ở châu Mỹ, Ấn Độ, Philippines,… để trị bệnh tiểu đường. Lá láng bóng loài bằng lăng này chứa Colosolic acid ở mức cao (Colosolic acid là một hóa chất thực vật nổi tiếng làm hạ mức đường trong máu). Trong Y học truyền thống châu Á dùng lá bằng lăng nước làm nước trà để trị đau bao tử và bệnh tiểu đường. Các chất trích ly được thương mại hóa đôi khi cũng được dùng làm bớt mập phì. Chất trích lá bằng lăng nước thường tìm thấy trong các thuốc bổ sung đa thành phần để làm giảm cân, tỉ như Cortislim. Nồng lượng thay đổi tuỳ sản phẩm bán, nhưng thường chứa vài milligram đến vài tá milligram một ngày. Lá bằng lăng nước khó kiếm hơn nhưng được bán dưới dạng nước trích lỏng hoặc thể viên.
Loài bằng lăng cho bóng mát và cho hoa đẹp nên được trồng làm hoa cảnh. Thật ra ngoài hoa tím còn có hoa các màu đậm, lợt trắng, hồng, đỏ, tím,… và cuối thu nhiều giốngcũng rụng lá vàng, lá đỏ như cây phong xứ lạnh. Vài giống lùn, lùm bụi, cũng được chọn làm cây kiểng, mùa hoa nở đầy chậu. Cây gỗ lớn cao đến 20m, phân cành cao, thẳng, tán dày, lá hình bầu dục hay hình giáo dài, cụm hoa hình tháp ở ngọn các cành, mọc thẳng, nụ hoa hình cầu, hoa lớn có 6 cánh, có móng ngắn, răng reo màu tím hồng. Cây mọc khỏe, thân thẳng, tán cao, cây trồng chủ yếu bằng hạt, ươm gieo như các cây khác.
Bằng lăng là loại cây trồng bóng mát, có chiều cao lý tưởng đối với việc ứng dụng trong các khu đô thị. Cây không quá cao, tán dày, phân nhiều nhánh, đặc biệt bằng lăng là một loại cây gần như kháng được đa số các loại sâu bệnh phá hoại cây trồng. Việc trồng bằng lăng tại các khu đô thị, nên trồng đồng bộ một hàng bằng lăng, với chiều cao, đường kính tương đương nhau sẽ giúp đồng bộ hoá vỉa hè 2 bên lề đường cực kỳ đẹp. Hiện nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch và đưa cây bằng lăng như là một trong những loại cây chủ đạo để trồng làm bóng mát, cảnh quan cây xanh vỉa hè, công viên.
Hoa bằng lăng có màu tím đặc trưng. Sắc hoa bằng lăng khi nở tím rực cả cây, bởi hoa bằng lăng mọc đầu ngọn, tạo hình khối cầu tím rất đẹp mắt.
Hiện nay, bằng lăng còn được ứng dụng tại các khu biệt thự, trồng trong sân vườn, khu resort. Bằng lăng tôn nên vẻ sang trọng cho khu sân vườn của bạn, hoặc tạo điểm nhấn cho khu resort đối với các du khách.
Ứng dụng cây bằng lăng trong trồng cây tại trường học: Tuổi thơ học đường của chúng ta còn gắn liền với hình ảnh cây bằng lăng bên cạnh hàng phượng. Mỗi dịp bế giảng, ra trường, các em học sinh trao tay những dòng lưu bút thân thương. Khá trùng hợp khi những kỷ niệm tuổi học trò lại ùa về đúng dịp bằng lăng nở hoa vào mùa hè.
3 Kỹ thuật trồng cây bằng lăng
Cây bằng lăng rất dễ trồng và chăm sóc. Việc trồng và chăm sóc cây bằng lăng cũng tương tự các loại cây bóng mát. Giai đoạn mới trồng bằng lăng là quan trọng nhất, cây sau khi đã dưỡng đủ 6 tháng thì gần như có thể tự sinh tồn trong tự nhiên. Chỉ cần duy trì việc tưới nước khoảng 1 tuần 2 lần và chăm phân bón theo định kỳ 3 tháng 1 lần.
Tuy nhiên, các bạn cần chú ý vấn đề sau khi trồng cây bằng lăng mới được bứng về vườn:
Bầu cây: Bầu cây bằng lăng cần nguyên vẹn, đối với cây bằng lăng có đường kính 10 trở lên, bầu khi được bứng cần giữ nguyên số đất cũ, rễ cũ của cây, không bị rách, vỡ bầu cây. Chú ý khi mua cây bằng lăng, các bạn cần hỏi rõ nhà vườn là cây đã râm ủ bao nhiêu lâu? Đã nứt mầm chưa. Nếu cây đã râm ủ lâu (6 tháng trở lên) thì cây đã quen với môi trường đất mới, sẽ làm tăng tỷ lệ sống sót khi dy chuyển và trồng cây bằng lăng tại địa điểm khác. Chú ý cắt tỉa cành, chỉ giữ lại những cành chính, điều này sẽ giúp cây dồn dinh dưỡng cho dưỡng bộ rễ cây phát triển, ra rễ mới và làm quen môi trường đất mới được tốt nhất. Đặc biệt quan trọng là bạn cần kiểm tra bầu cây khi nhận cây từ các đơn vị cung cấp, bầu cây có dấu hiệu vỡ, bầu cây giả là những điều quan trọng nhất cần kiểm tra. Nếu cây có 1 trong 2 dấu hiệu này thì tuyệt đối không nhận hàng vì tỷ lệ sống sót khi trồng các cây này là rất thấp.
Đào hố trồng cây: Hố trồng cây cần rộng hơn so với đường kính bầu lọt lòng khoảng 5cm – 15cm. Trước khi đưa bầu cây bằng lăng vào đất cần pha hỗn hợp dung dịch bao gốm thuốc nhử rễ hoà tan với nước tưới thấm đẫm cho cây nhanh ra rễ mới và làm quen kịp với môi trường đất mới.
Nước tưới: Đặc biệt trong giai đoạn đầu khi trồng cây bằng lăng cần tưới nước liên tục mỗi ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Trong 1 tuần đầu tiên cần hòa thuốc nhử rễ vào nước và tưới liên tục phần gốc để bộ rễ cây nhanh chóng quen môi trường đất mới. Sau 1 tháng có thể tưới mỗi ngày 1 lần vào lúc sáng sớm. 3 tháng sau thì có thể mỗi tuần tưới 2 lần là được.
Cây chống: Vấn đề chống cây rất quan trọng, nó giúp cây có thể đứng vững trong môi trường có gió lớn, ngoài ra cây chống còn giúp bộ rễ cố định dưới lòng đất. Về thi công cây chống bằng lăng có thể đóng cây chống 3 hoặc 4 đều được. Chiều cao cây chống bằng lăng tối thiểu bằng 1/3 thân cây chính. Có thể cột, đinh hoặc sử dụng cây chống bằng khung sắt đều được. Loại gỗ thường được sử dụng làm cây chống bằng lăng đó là cây chống bằng gỗ bạc hà.
Đất trồng cây Bằng lăng phải có tầng đất mặt tơi xốp, dễ thoát nước, nếu đất có độ pH thấp, cần bón vôi thêm. Trước khi trồng tiến hành đào hố trước ít nhất 1 tháng, kích thước hố và lượng phân bón lót tùy thuộc vào đất giàu hoặc nghèo dinh dưỡng, thông thường 50 x 50 x 50 cm, trộn đều lớp đất mặt với phân hữu cơ, NPK, phân bón lót, phân lân, vôi…… Sau đó phai dồn hỗn hợp đất phân cho xuống hố. Công việc trên cần thực hiện trước khi trồng cây ít nhất là 1/2 tháng. Đất trồng cây bằng lăng chung quy lại cần các hỗn hợp cụ thể: Đất trồng cây, xơ dừa, phân bò, tro trấu, NPK đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho cây bằng lăng.
Cây được trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6) và được trồng dặm trước tháng 9 hàng năm. Mật độ trồng thích hợp từ 500 đến 834 cây/ha. Cây cách cây 3 mét, hàng cách hàng 4 mét, hoặc cây cách cây 4 mét, hàng cách hàng 5 mét.
Sau khi trồng cần làm cỏ, xới đất kết hợp tủ gốc giữ ẩm cho cây 4-5 lần/năm. Trong 3 năm đầu khi cây chưa kép tán cần trồng thêm cây che bóng giữa các hàng để bảo vệ đất, nhằm tăng cường chất hữu cơ và giảm công làm cỏ…
Lượng phân bón trong 3 năm đầu như sau: phân chuồng 5–10 kg, phân NPK 150g/gốc/năm. Các năm sau tăng dần lượng phân lên, nên bón phân vào lúc làm cỏ và vun gốc vào đầu, giữa và cuối mùa mưa.
Ở Việt Nam cây này được gọi là Bằng lăng nước, mọc nhiều nhất ở các rừng vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là rừng cây gỗ toàn là bằng lăng gần thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.