Lá cây có hình trái tim, màu lá có những vệt trắng như sữa loang lổ nền màu xanh tạo nên những hoa văn mới lạ, đây chính là điều đặc biệt giúp phân biệt cây với những loại trầu bà khác. Cuống lá dài màu trắng, có bẹ ngắn, gân chính của lá rõ ràng và phần mép nguyên trơn bóng.
Cây trầu bà cẩm thạch là cây thân cỏ, thường xanh lâu năm, có thể leo lên cao khi bám vào các cột, tường nhà. Thân cây mềm, xung quanh có các rễ phụ rũ xuống chậu cây. Mỗi đoạn trên thân cây hình thành nên một chiếc lá nhỏ, mọc cách đều nhau trên thân nhánh.
Cây trầu bà cẩm thạch khi trồng trong nhà rất có ý nghĩa về phong thủy. Cây mang lại sức khỏe, tài lộc và bình an cho gia chủ. Đặc biệt, với màu trắng đặc trưng trên lá của cây, cây trầu bà phong thủy còn mang lại sự may mắn cho người mệnh Kim và những người hợp với mệnh Kim.
Bên cạnh đó, cây trầu bà cẩm thạch còn có khả năng hút được các chất độc từ máy tính, loại bỏ chất gây ung thư formaldehydes và các chất hóa học dễ bay hơi khác. Do đó, bạn có thể trồng một cây trầu bà sữa ngay trong phòng làm việc hoặc trước ban công để trang trí tiểu cảnh cũng như thanh lọc không khí trong ngôi nhà của mình nhé.
Cách trồng cây trầu bà cẩm thạch
Trầu bà cẩm thạch không những là loại cây dễ trồng mà còn rất dễ chăm sóc.
Trồng đất: Bạn nên lựa những loại đất tơi xốp, thoáng khí và nhiều dưỡng chất. Có thể sử dụng hỗn hợp đất trồng, phân chuồng để dùng làm đất trồng cây. Bạn nên làm giàn leo, cắm cọc để cây có thể leo. Để nhân giống cây trầu bà cẩm thạch, bạn có thể sử dụng phương pháp giâm cành hoặc tách bụi.
Giâm cành: Bạn chọn những cành mọc cao, nhiều mắt đã ra các rễ nhỏ rồi dùng kéo cắt một đoạn 8 – 15cm. Sau đó chia cành thành các đoạn nhỏ, mỗi đoạn đều có mắt và 1 lá ở giữa.
Tiếp theo, bạn rửa sạch và ngâm các đoạn cây vào phân bón kích rễ như N3M, Roots 2, Bimix Super Root…khoảng 15 phút rồi cho các mắt vào bầu ươm đã được chuẩn bị, bọc kín lại bằng nilon và phun nước để giữ ẩm hàng ngày.
Sau khoảng 1 – 2 tuần, mắt sẽ nảy chồi, bung rễ và sau 1,5 tháng sẽ sinh ra cây con. Lúc này bạn có thể tách cây con và trồng trong chậu đất hoặc chậu treo.
Tách bụi: Với phương pháp này, bạn chỉ cần nhổ bụi và tách cây thành các nhánh nhỏ, trồng các nhánh vào chậu đã được chuẩn bị sẵn và tưới nước thường xuyên cho cây. Sau khoảng 1 tuần, rễ sẽ mọc thành cây trầu bà cẩm thạch mới.
Trồng thủy canh: Đây là phương pháp được nhiều dân văn phòng ưa chuộng vì dễ vệ sinh và có thể tận dụng từ những vật có sẵn. Để thực hiện, bạn chỉ cần tỉa đi rễ cây bị hư, già rồi rửa sạch, đặt cây vào bình chứa nước hoặc dung dịch trồng cây. Lưu ý, nếu bạn sử dụng nước máy, hãy để nước vài ngày cho bay hết clo rồi hãy trồng.
Chăm sóc cây trầu bà cẩm thạch
Tưới nước: Trầu bà cẩm thạch là loại cây ưa ẩm, không chịu được hạn. Do đó, bạn nên tưới nước cho cây 1 – 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều nước trong 1 lần vì có thể gây ra hiện tượng úng rễ, cây sẽ bị vàng lá. Đối với trồng thủy canh, bạn hãy thay nước trong chậu cây 1 tuần 1 lần và lượng nước ngập ⅔ bộ rễ.
Ánh sáng: Cây trầu bà thuộc loại thích bóng râm với nhiệt độ khoảng 18 – 25 độ C, bạn nên để chậu ở những nơi thoáng mát và không có nắng quá gắt, nếu để ánh sáng chiếu trực tiếp vào có thể gây nên hiện tượng cháy hoặc bị héo lá.
Phân bón: Bạn có thể bổ sung những loại phân bón dạng nước tốt cho cây như Org Hum, Seasol, Power Feed, dịch chuối, phân bánh dầu dạng nước… và bón cho cây với tần suất 1 lần/tháng.
Ngoài ra, nếu bạn trồng cây trong chậu thì nên thay đất cho cây sau 12 – 18 tháng và thay chậu lớn hơn cỡ 2 – 5cm.